Hình ảnh bìa TVTH.jpgHình ảnh bìa TVTH.jpg

Tiếng Việt thực hành

       Tiếng Việt thực hành được giảng dạy ở nhà trường đại học bắt đầu từ những năm 1970 dưới nhiều tên gọi khác nhau, nội dung và hình thức cơ bản được hoàn chỉnh và thống nhất vào những năm 1990. Tuỳ vào từng chuyên ngành đào tạo, Tiếng Việt thực hành được biên soạn phù hợp với trình độ của người học, nội dung giảng dạy có thể định hướng và phát triển năng lực thực hành ngôn ngữ tiếng Việt của người học đáp ứng yêu cầu về ngôn ngữ trong giao tiếp xã hội, trong phục vụ ngành nghề tương lai. 

       Ở các cấp học văn hoá cơ bản, học sinh được học và rèn luyện sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đạt chuẩn phổ thông, tri thức ngôn ngữ tiếng Việt được hình thành trong giai đoạn này luôn đảm bảo tối thiểu đặc trưng là một hệ thống tri thức nền tảng và cơ bản. Khi trở thành sinh viên, học viên, hưởng thụ nền giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục đại học, người học phải có năng lực sử dụng tiếng Việt thích ứng với trình độ của người tri thức, ứng dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong việc học tập và nghiên cứu, đồng thời, thành thạo, chuẩn xác và linh hoạt trong giao tiếp với một xã hội rộng mở hơn. Môn học Tiếng Việt thực hành trong nhà trường đại học, do đó, làm nhiệm vụ hệ thống lại kiến thức lí thuyết tiếng Việt và nâng cao hoá kĩ năng thực hành tiếng Việt của sinh viên.

      Trong thời đại mở cửa, hướng đến hợp tác quốc tế, đẩy mạnh phát triển đất nước, Tiếng Việt thực hành còn là môn học có ý nghĩa sâu sắc về giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, hoà nhập nhưng không hoà tan. Người tri thức trau dồi vốn quốc ngữ của mình, suy ngẫm ra, chính là yêu nước. Bởi vì một quốc gia không chỉ là "lãnh thổ và chủ quyền mà còn là tiếng nói và chữ viết". 

Giáo viên: Võ Anh Thư